Trung Quốc phát tín hiệu cứng rắn
Một thỏa thuận đình chiến thương mại bất ngờ trong cuộc chiến thuế quan leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc vào tuần trước nữa đã được các chuyên gia Trung Quốc đánh giá là một thành công đối với nước này. Trong đó, cựu Tổng biên tập Thời báo Hoàn cầu Hồ Tích Tiến gọi đây là một chiến thắng to lớn.
Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng đang chuẩn bị cho một chặng đường đầy khó khăn trong quan hệ song phương và các cuộc đàm phán sắp tới.
Chỉ vài ngày sau thỏa thuận đạt được hôm 12/5 giữa các nhà đàm phán Mỹ và Trung Quốc tại Geneva, Bắc Kinh đã lên tiếng chỉ trích Washington.
Ngày 19/5, Bộ Thương mại Trung Quốc cáo buộc Mỹ “phá hoại” các cuộc đàm phán Geneva sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump cảnh báo các công ty không sử dụng chip AI do Huawei — tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc — sản xuất. Hai ngày sau, Bắc Kinh tiếp tục chỉ trích Washington, cho rằng Mỹ đang “lạm dụng kiểm soát xuất khẩu để đàn áp và kiềm chế Trung Quốc” khi nhắc lại tuyên bố của Nhà Trắng liên quan đến chip AI của Huawei.
Trung Quốc cũng giữ nguyên lập trường cứng rắn về vấn đề fentanyl, tuyên bố rằng đây là “vấn đề của Mỹ, không phải của Trung Quốc”.
Quan chức Trung-Mỹ gặp mặt đàm phán vấn đề thương mại. Ảnh: Reuters
Phát biểu của Trung Quốc phát đi một tín hiệu rõ ràng trước các cuộc đàm phán dự kiến: Dù đối mặt với áp lực kinh tế đáng kể do căng thẳng thương mại, Bắc Kinh không có ý định nhượng bộ vội vàng nếu điều đó ảnh hưởng đến hình ảnh hoặc lợi ích quốc gia.
Đây cũng là lời nhắc rằng dù căng thẳng tạm thời lắng dịu, sự cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn sẽ bao trùm các vòng đàm phán sắp tới.
Hiện chưa có thông báo chính thức nào về vòng đàm phán thương mại tiếp theo giữa Mỹ và Trung Quốc, dù Đại diện thương mại Mỹ Jamieson Greer và Đặc phái viên thương mại Trung Quốc Lý Thành Cương đã có cuộc gặp bên lề hội nghị các bộ trưởng thương mại APEC diễn ra tại Hàn Quốc vào ngày 15–16/5.
Cùng ngày 16/5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Thứ trưởng Mã Triều Húc đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Richard Verma về quan hệ song phương.
“Sự hồi sinh của quan hệ thương mại Mỹ-Trung mang lại lợi ích cho cả hai bên và nền kinh tế toàn cầu”, Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV nhấn mạnh.
"Trung Quốc đang đi đúng hướng"
Khi Tổng thống Donald Trump công bố mức thuế quan mới, Trung Quốc phản ứng khác biệt so với nhiều quốc gia khác: Nhanh chóng áp dụng các biện pháp trả đũa của riêng mình.
Theo Brian Wong, chiến lược gia địa chính trị và Phó giáo sư tại Đại học Hồng Kông (Trung Quốc), các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiện có thể cảm thấy "an tâm rằng chiến lược của họ đối với Mỹ đang đi đúng hướng".
Tuy nhiên, theo ông Wong, thách thức lớn đối với Bắc Kinh là làm thế nào để chuyển lợi thế chiến lược hiện tại thành một chiến thắng kinh tế lâu dài.
“Những nhà hoạch định chính sách cấp cao của Trung Quốc hoàn toàn không hề ảo tưởng về việc… giảm bớt căng thẳng Trung-Mỹ,” ông nói.
Trung Quốc hiện đang đối mặt với rủi ro lớn trong việc đảm bảo các mức thuế quan được cắt giảm đối với thị trường xuất khẩu lớn nhất của mình — và ngăn chặn nguy cơ chúng bị tái áp dụng.
Theo Alicia Garcia Herrero, Nhà kinh tế trưởng khu vực Châu Á-Thái Bình Dương tại Ngân hàng đầu tư Natixis, nếu các mức thuế hiện tại không được duy trì ổn định, thương mại Mỹ-Trung có thể bị cắt giảm một nửa. Điều này sẽ làm giảm khoảng 1,6% tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và có thể khiến từ 4 đến 6 triệu người mất việc làm.
Hiện tại, chính quyền Tổng thống Trump vẫn chưa đưa ra một danh sách yêu cầu rõ ràng để mở lại các cuộc đàm phán với Bắc Kinh. Tuy nhiên, ông Trump từ lâu đã chỉ trích mức thâm hụt thương mại gần 300 tỷ USD của Mỹ với Trung Quốc, đồng thời cáo buộc Bắc Kinh gây ra tình trạng mất việc làm trong ngành sản xuất và chuyển dịch cơ hội kinh tế khỏi nước Mỹ.
Tổng thống Donald Trump rời Nhà Trắng. Ảnh: Getty
Vượt qua cơn bão
Bất chấp căng thẳng leo thang, các nhà quan sát cho rằng Bắc Kinh có thể đã chuẩn bị một số nhượng bộ nhất định. Những nhượng bộ này có thể bao gồm việc quay lại hoặc mở rộng thỏa thuận thương mại từng đạt được trong cuộc chiến thuế quan đầu tiên — trong đó Trung Quốc cam kết mua thêm hàng hóa từ Mỹ — hoặc hợp tác nhiều hơn trong lĩnh vực thực thi pháp luật, đặc biệt là kiểm soát nghiêm ngặt hơn đối với việc sản xuất các hóa chất tiền chất dùng để điều chế fentanyl.
“Người Trung Quốc sẵn sàng thực hiện các thỏa thuận để vượt qua cơn bão mang tên Trump", bà Yun Sun, Giám đốc Chương trình Trung Quốc tại trung tâm nghiên cứu Stimson Center ở Washington, nhận định. “Nếu có cách nào giúp họ giảm thiểu thiệt hại và ổn định quan hệ song phương… thì đó là điều họ mong muốn. Nhưng họ cũng muốn Mỹ phải thực tế và hành xử một cách hợp lý".
Có những điểm bất đồng rõ ràng giữa hai bên. Bắc Kinh có thể tìm cách thu hẹp khoảng cách thương mại thông qua việc mua thêm công nghệ cao cấp của Mỹ — mặc dù phần lớn các mặt hàng này hiện đang nằm trong danh sách hạn chế xuất khẩu của Washington.
Bắc Kinh cũng nắm trong tay một số đòn bẩy chiến lược như tiếp tục duy trì kiểm soát việc xuất khẩu đất hiếm — những nguyên liệu thiết yếu đối với ngành công nghiệp ô tô điện, hàng không vũ trụ và quốc phòng toàn cầu.
Một số nhà quan sát cho rằng Trung Quốc có khả năng chịu đựng áp lực kinh tế tốt hơn Mỹ, nhờ vào hệ thống kiểm soát tập trung và khả năng huy động các nguồn lực trong nước để giảm thiểu tác động của căng thẳng thương mại kéo dài.
"Mặc dù tác động của thuế quan đối với nền kinh tế Trung Quốc sẽ ngày càng nghiêm trọng, nhưng Bắc Kinh tin rằng họ có thể chịu đựng một cuộc chiến thương mại kéo dài hơn so với Mỹ", cựu nhà ngoại giao Trung Quốc Zhou Xiaoming nhận định trước thềm cuộc đàm phán tại Geneva.
Căng thẳng thương mại đã buộc Trung Quốc phải đẩy nhanh hai nỗ lực then chốt: Thúc đẩy tiêu dùng nội địa và mở rộng sang các thị trường xuất khẩu khác, trong khi chính phủ tìm cách giảm thiểu rủi ro từ việc mất đi khách hàng lớn là Mỹ.
Chủ tịch Tập Cận Bình cùng các quan chức Trung Quốc đã phát động hoạt động ngoại giao quy mô lớn, hướng tới các đối tác từ Mỹ Latinh, châu Âu đến Đông Nam Á, nhằm định vị Trung Quốc như một đối tác có trách nhiệm và sẵn sàng mở rộng hợp tác hoặc ký kết các thỏa thuận thương mại tự do.
Theo Suisheng Zhao — Giám đốc Trung tâm Hợp tác Trung Quốc - Mỹ tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Josef Korbel, Denver (Mỹ) — Bắc Kinh đã làm “rất xuất sắc” trên mặt trận này. Ông cho rằng nếu Tổng thống Trump tiếp tục đẩy mạnh cuộc chiến thuế quan toàn cầu, điều đó có thể mang lại lợi thế chiến lược đáng kể cho Trung Quốc.
Zhao nhấn mạnh điều này đặc biệt quan trọng đối với Bắc Kinh, bởi trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược ngày càng sâu sắc giữa hai siêu cường, cả Mỹ và Trung Quốc đều đang hướng tới việc giảm sự phụ thuộc lẫn nhau, bất kể kết quả các cuộc đàm phán ra sao.
Ông nhấn mạnh: "Bất kể [Trung Quốc - Mỹ] phát biểu điều gì trong các cuộc đối thoại… cả hai bên đều đang tìm cách thu hẹp quan hệ thương mại với nhau — đó chính là xu hướng hiện nay".
Theo doisongphapluat.nguoiduatin.vn
(Theo CNN, CCTV)